Bối cảnh Chiến_tranh_tiền_tệ

Lý do để giảm giá tiền tệ

Giảm giá tiền tệ, từ trước tới giờ, không bao giờ là một chiến thuật của chính phủ được dân chúng ưa chuộng. Vì nó làm giảm đi mức sống của người dân cũng như khả năng mua sắm khi họ mua hàng hóa nhập cảng hay khi đi ra nước ngoài. Nó cũng có thể đưa tới lạm phát. Giảm giá tiền tệ có thể làm cho việc trả lãi những món nợ quốc tế trở nên đắt hơn, nếu phải trả bằng tiền ngoại tệ. Cho tới bây giờ, một tiền tệ mạnh được xem là một dấu hiệu uy tín, trong khi giảm giá tiền tệ được liên hệ tới một chính phủ yếu kém.[2]

Tuy nhiên, khi một nước có nạn thất nghiệp cao hay muốn theo đuổi chính sách tăng trưởng xuất khẩu, tỷ giá hối đoái thấp hơn là một lợi điểm. Từ đầu thập niên 1980 Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đề xuất giảm giá tiền tệ như là một trong những giải đáp cho các quốc gia đang phát triển mà tiếp tục nhập cảng nhiều hơn là họ có thể xuất cảng. Khi đồng tiền nội địa giảm giá, giá cả hàng nhập khẩu sẽ đắt hơn và làm cho hàng xuất khẩu sẽ rẻ hơn.[3] Giảm giá tiền cũng là một giải pháp thích hợp cho nạn thất nghiệp khi những biện pháp khác như gia tăng việc tiêu sài công cộng không thể thực hiện được vì nợ công đã cao, hay khi một nước có cán cân thanh toán thâm hụt. Một lý do mà các nước đang phát triển hay giảm giá tiền tệ vì duy trì một tỷ giá hối đoái thấp giúp đỡ tích trữ tiền ngoại tệ, mà có thể bảo vệ trước những cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.[4][5][6]

Tuy nhiên khi các nước ban giao thương mại phản ứng bằng cách cũng giảm giá trị đồng tiền của mình, thì việc giảm giá sẽ không còn có hiệu quả nữa. Trên nguyên tắc khi đó không nước nào có hậu quả tốt hay xấu đi. Tuy nhiên một chiến tranh tiền tệ như vậy sẽ làm các doanh nghiệp, và các nhà đầu tư hoang mang, mất niềm tin, làm hại cho việc thương mại quốc tế, làm nản chí các nhà đầu tư. Hậu quả gián tiếp của cuộc chiến tranh tiền tệ này gây ảnh hưởng không tốt cho tất cả các nước liên hệ.